Thống kê của PATA dựa vào lượng khách du lịch quốc tế đến 35 điểm đến châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó tổng lượng khách quốc tế đến khu vực (chưa bao gồm Trung Quốc) trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao kỷ lục với hơn 247 triệu lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ 2018 (tương đương hơn 14 triệu lượt khách).
Vị trí thứ 3 đã rất gần
Về số lượng khách quốc tế đến, 10 điểm đến đón lượng khách cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là Mỹ, Hong Kong, Mehico, Macao (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Canada và Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2018 có 28 điểm đến có tốc độ tăng trưởng tăng và có 7 điểm đến có tốc độ tăng trưởng giảm. Dẫn đầu là Myanmar (tăng 33,3%), tiếp theo là Macao - Trung Quốc (tăng 20,6%), Maldives (tăng 18,7%), Hàn Quốc (tăng 16,9%)… Việt Nam tăng 7,5% (đứng thứ 12 châu Á-Thái Bình Dương).
Khu vực Đông Nam Á ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng thêm hơn 3 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó Việt Nam đón 8,48 triệu lượt khách quốc tế đến, đứng thứ 4 trong khu vực sau Thái Lan (19,7 triệu), Malaysia (13,3 triệu), Singapore (9,3 triệu) và cũng đứng thứ 4 khu vực về tốc độ tăng trưởng sau Myanmar, Phillippines và Campuchia. Như vậy, Việt Nam đã vượt qua Indonesia để đứng thứ 4 trong khu vực về lượng khách quốc tế đến. Từ trước tới nay, Việt Nam luôn xếp sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và chỉ đứng ở vị trí thứ 5 của Đông Nam Á.
Theo báo cáo thường niên du lịch Việt Nam công bố năm 2019, tính đến hết năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, gần đuổi kịp Indonesia (15,8 triệu lượt) và Singapore (18,5 triệu lượt). Mặc dù chưa vượt thể qua được Malaysia (25,8 triệu lượt) nhưng 3 năm trở lại đây, ngành Du lịch nước này đang có dấu hiệu chững lại. Ngành Du lịch Việt Nam có thể tin vào việc với tốc tăng trưởng nhanh về lượng khách quốc tế, Việt Nam sẽ vượt qua Indonesia, sau đó là đuổi kịp Singapore và ngang bằng Malaysia trong vài năm tới, đứng vững chắc ở vị trí thứ 3 Đông Nam Á. Năm 2018, Thái Lan vẫn là quốc gia đứng đầu các nước ASEAN về lượng khách quốc tế, đạt 38,3 triệu lượt.
9 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao hơn nhiều mức tăng chung của khu vực và thế giới. Đây là tháng thứ 4 kể từ đầu năm nay và là tháng thứ 2 liên tiếp có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,5 triệu lượt người. Với mục tiêu đạt 18 triệu khách quốc tế đến năm 2019, 3 tháng cuối năm nay Việt Nam chỉ cần đón thêm 5,1 triệu lượt khách (tương đương gần 1,4 triệu lượt/ tháng). Điều này hoàn toàn trong tầm tay.
Kết nối hàng không và chính sách visa thuận tiện
Trong khi đó, cuối tháng 9.2019 Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã phát hành ấn phẩm Hàn thử biểu Du lịch thế giới số 3 với những thông tin về khách quốc tế (inbound) trong 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, lượng khách quốc tế trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu là khu vực Trung Đông (tăng 8%), châu Á- Thái Bình Dương (tăng 6%). Lượng khách đến các khu vực châu Âu, châu Phi, châu Mỹ tăng nhẹ (tương ứng 4%, 3% và 2%).
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, các điểm đến trên toàn thế giới đã đón 671 triệu lượt khách du lịch quốc tế, cao hơn gần 30 triệu so với cùng kỳ năm 2018 và vẫn giữ được đà tăng trưởng từ năm ngoái. Các yếu tố tác động tích cực đến sự tăng trưởng lượng khách trên toàn cầu là nền kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, giá vé máy bay cạnh tranh, gia tăng kết nối hàng không và chính sách thị thực ngày càng thuận tiện. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố bất lợi đó là bất ổn kéo dài của tiến trình Brexit, sự gia tăng căng thẳng thương mại và thách thức địa chính trị đã ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khu vực châu Âu tăng 4%, trong đó có sự đóng góp của du lịch nội vùng (mặc dù lượng khách giữa các thị trường nguồn lớn ở châu Âu không đồng đều do bối cảnh các nền kinh tế suy yếu) và từ các thị trường ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC). Khu vực châu Á và Thái Bình Dương tăng 6%, chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc. Dẫn đầu là Nam Á và Đông Bắc Á (cả hai đều tăng 7%), tiếp theo là Đông Nam Á (+ 5%), và châu Đại Dương (+1%). Khu vực châu Mỹ tăng 2%, trong đó vùng Caribe tăng 11% (chủ yếu là từ sự hồi phục của thị trường Mỹ), Bắc Mỹ tăng 2%, Trung Mỹ tăng 1%. Riêng Nam Mỹ có lượng khách đến giảm 5% do sự suy giảm của lượng khách outbound Argentina.
Khu vực châu Phi chỉ tăng 3% do hạn chế về số liệu thống kê. Trung Đông có sự tăng trưởng mạnh mẽ (+8%) do có sự gia tăng nguồn khách từ tháng Ramadan (tháng 5) và Eid Al- Fitr (tháng 6).
9 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao hơn nhiều mức tăng chung của khu vực và thế giới. Đây là tháng thứ 4 kể từ đầu năm nay và là tháng thứ 2 liên tiếp có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,5 triệu lượt người.